THOÁI HÓA KHỚP

Triệu chứng, biểu hiện thoái hóa khớp ở các vị trí

Thoái hóa khớp thường có các triệu chứng như đau khớp, cứng khớp, biến dạng khớp, teo cơ, có tiếng lạo xạo khi cử động, tràn dịch khớp làm vùng khớp bị tổn thương sưng to… Thoái hóa khớp thường xảy ra ở hầu hết các khớp, nhưng có một số vị trí phổ biến.  Tùy thuộc vào vị trí thoái hóa khớp sẽ có những triệu chứng cụ thể đi kèm như sau:(1)

Thoái hóa khớp gối

Bệnh thoái hóa khớp gối rất phổ biến vì loại khớp này luôn phải gánh chịu một trọng lực rất lớn để giữ cơ thể đứng vững, xoay và di chuyển.

Triệu chứng thường gặp: Đau ở phía trước và bên cạnh đầu gối. Khớp yếu đi khiến đầu gối khuỵu xuống khi phải chịu sức nặng. Người bệnh ngồi xổm và đứng dậy rất khó khăn, nặng hơn sẽ thấy tê chân, biến dạng nhẹ ở khớp gối.

Thoái hóa khớp háng

Thoái hóa khớp háng có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc vận động hằng ngày.

Triệu chứng thường gặp: cảm giác đau sâu bên trong phía trước háng, cũng có thể đau ở bên cạnh hoặc phía trước đùi, ở sau mông và lan xuống đầu gối.

Thoái hóa khớp ngón tay, bàn tay

Bệnh thường tác động lên vùng gốc của ngón cái và các khớp ngón tay. Các khớp sưng đau, đặc biệt là khi bệnh vừa mới bắt đầu. Sau đó, các khớp khiến ngón tay có thể hình thành các nốt cứng, trở nên gồ ghề và cong nhẹ.

Thoái hóa cột sống thắt lưng

Thoái hóa cột sống là loại tổn thương cột sống thường gặp nhất, đôi khi ảnh hưởng đến thần kinh tọa khiến người bệnh có cảm giác đau rất mạnh từ lưng xuống mặt trong đùi và chân.

Giai đoạn đầu, bệnh nhân thấy đau nhiều khi mới ngủ dậy và thường diễn ra trong 30 phút. Sau đó, cơn đau sẽ giảm dần nhưng âm ỉ kéo dài cả ngày và thỉnh thoảng sẽ tăng lên khi người bệnh làm việc nhiều, khiêng vác nặng.

Thoái hóa cột sống cổ

Thoái hóa cột sống cổ có biểu hiện là cảm giác đau mỏi phía sau gáy, lan đến cánh tay ở phía có dây thần kinh bị chèn ép ảnh hưởng.

Thoái hóa bàn chân

Thoái hóa khớp ở bàn chân thường tác động vào gốc của ngón cái, có thể làm ngón này bị cứng lại hoặc cong vẹo, khiến cho việc đi đứng trở nên khó khăn và đau đớn.

Thoái hóa gót chân

Thoái hóa khớp ở gót chân thường làm bệnh nhân có cảm giác bị thốn ở gót vào buổi sáng, khi bước chân xuống giường và đi vài bước đầu tiên.

Thoái hóa khớp jexf

Thoái hóa khớp có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể

Nguyên nhân thoái hóa khớp thường gặp

Bình thường, sụn khớp được tái tạo đều đặn để bảo đảm chức năng khớp. Sau khoảng 30 tuổi, sự tái tạo giảm đi và sự thoái hóa diễn ra nhiều hơn. Thoái hóa khớp chính là sự mất quân bình giữa tái tạo và thoái hóa này của sụn khớp, xương dưới sụn khiến sụn khớp và xương dưới sụn bị tổn thương. Một số yếu tố có thể tác động đến quá trình này:

  • Tuổi tác: Thoái hóa khớp thường bắt đầu xuất hiện từ sau tuổi 40. Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng lớn.
  • Béo phì: Béo phì dễ dẫn đến thoái hóa khớp, đặc biệt là khớp gối(2).
  • Tổn thương khớp: Khớp bị tổn thương hoặc hoạt động quá sức (khiêng vác, đi cầu thang bộ nhanh, nhiều).
  • Dị dạng bẩm sinh về khớp: Người có khớp bất thường bẩm sinh hoặc xảy ra lúc trẻ sẽ dẫn đến thoái hóa khớp sớm và trầm trọng hơn bình thường.
  • Gen di truyền: Một số bệnh khớp có liên quan đến gen di truyền.
  • Chấn thương khớp: Nguyên nhân làm tăng tỷ lệ thoái hóa khớp ở người trẻ tuổi(3)

Khi khớp vận động liên tục và có các yếu tố tác động trên sẽ dễ dẫn đến các vi chấn thương và làm vỡ các mảnh sụn khớp nhỏ, phóng thích vào trong hệ thống bạch mạch và tuần hoàn. Lúc này, hệ thống miễn dịch sẽ nhận diện đây là các kháng nguyên lạ (do cấu trúc của sụn khớp không có mạch máu nên trước đây các tế bào của hệ thống miễn dịch chưa từng gặp mặt cấu trúc protein của sụn khớp).

Khi đó, các tế bào của hệ miễn dịch như các đại thực bào, tế bào trình diện kháng nguyên, lympho B, T sẽ sinh ra các tự kháng thể kháng sụn khớp, đồng thời sản sinh các protein tiền viêm như TNF-α, IL-1, IL-6, interferon gamma… tấn công, phá hủy sụn khớp, xương dưới sụn và màng hoạt dịch. Quá trình viêm của khớp cũng khởi phát dẫn đến hẹp khe khớp và hình thành các gai xương, gây đau khớp khi vận động.

Thoái hóa khớp có nguy hiểm không?

Mặc dù thoái hóa khớp không gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, việc bệnh không trực tiếp gây tử vong không có nghĩa là không nguy hiểm vì thoái hóa khớp sẽ khiến chất lượng cuộc sống của người bệnh giảm đi rõ rệt, hạn chế khả năng vận động.
Nếu không được điều trị kịp thời, thoái hóa khớp sẽ làm biến dạng và mất chức năng vận động của khớp, thậm chí tàn phế.

Các phương pháp chẩn đoán bệnh

Bệnh thoái hóa khớp thường sử dụng các phương pháp sau để chẩn đoán bệnh:

Siêu âm khớp: Hình ảnh siêu âm sẽ cho biết tình trạng sụn khớp gối đang gặp phải: tràn màng dịch khớp, màng dịch khớp đang ở tình trạng nào, những mảnh vụn thoái hóa khớp…

Chụp MRI: Với phương pháp cộng hưởng từ sẽ cho bác sĩ thấy được những tổn thương ở màng hoạt dịch, sụn khớp và dây chằng.

Chụp X-quang: những hình ảnh chụp được từ X-quang cho thấy thoái hóa khớp đang ở giai đoạn nào. Mỗi giai đoạn sẽ có những biểu hiện rõ ràng: Giai đoạn 1 xuất hiện gai xương nhỏ; Giai đoạn 2: thấy rõ gai xương khớp; Giai đoạn 3: khe khớp bị hẹp vừa; Giai đoạn 4: khe khớp bị hẹp nhiều và xương dưới sụn bị vỡ.

Nội soi khớp: là phương pháp giúp bác sĩ quan sát trực tiếp những hư hại do thoái hóa sụn khớp. Từ đó, bác sĩ có thể chẩn đoán mức độ thoái của khớp gối và có cách điều trị cắt lọc các tổ chức viêm thoái hóa trong khớp.
Lấy dịch khớp xét nghiệm: Đây là cách làm thông thường, đơn giản trong trường hợp bệnh nhân đang bị tràn dịch khớp gối. Bác sĩ sẽ chọc hút dịch để tiến hành điều trị khớp gối để đánh giá về cách bệnh lý về khớp.

Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp theo giai đoạn bệnh

Khi nhận thấy khớp mình có bất thường, cần thăm khám để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị phù hợp với tình trạng bệnh càng sớm càng tốt để có phác đồ điều trị thoái hóa khớp phù hợp. Sau đây là các cách điều trị thoái hóa khớp theo từng giai đoạn bệnh:

Điều trị bảo tồn, vật lý trị liệu

Trong trường hợp bệnh nhẹ, bệnh nhân sẽ được điều trị theo phương pháp vật lý trị liệu như chườm nóng, xung điện, chiếu đèn hồng ngoại, dùng máy phát sóng ngắn, luyện tập cơ, khớp, xoa bóp… giúp giảm đau, chống viêm. Đồng thời, người bệnh cần nghỉ ngơi, tránh cho khớp vận động mạnh. Điều trị bảo tồn, vật lý trị liệu áp dụng ở giai đoạn sớm, điều trị kết hợp với phương pháp khác hoặc hỗ trợ phục hồi chức năng khớp song song với điều trị thoái hóa khớp gối bằng phương pháp khác.

Điều trị thoái hóa khớp

Trong trường hợp bệnh nhẹ, bệnh nhân sẽ được điều trị theo phương pháp vật lý trị liệu

Sử dụng các loại thuốc trong quá trình điều trị

Đối với những bệnh nhân nặng, bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng các phương pháp điều trị như thuốc tiêm, thuốc giảm đau, kháng viêm, giãn cơ. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc trong việc điều trị và khắc phục thoái hóa khớp cần phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, tránh lạm dụng thuốc, để tránh gặp tác dụng phụ của thuốc. Tuy nhiên, khó duy trì được lâu dài vì tác dụng phụ rất nhiều và nặng nề. Các nhóm thuốc điều trị thoái hóa khớp phổ biến là hỗ trợ giảm đau, kháng viêm. Thuốc dùng qua đường uống, đường bôi, dán tại chỗ, hoặc đường tiêm trực tiếp vào ổ khớp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *